Friday, October 26, 2018

Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam – Wikipedia tiếng Việt



Hiến pháp Việt Nam năm 2013

Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam
Emblem of Vietnam.svg

Chính trị và chính phủ
Việt Nam




















Các nước khác

Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là văn bản pháp luật có giá trị cao nhất trong hệ thống pháp luật của Việt Nam. Bản hiến pháp đang có hiệu lực là bản của năm 2013, là bản Hiến pháp của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam được Quốc hội Việt Nam khóa XIII, kỳ họp thứ 6 thông qua vào sáng ngày 28 tháng 11 năm 2013.

Tại Việt Nam, Hiến pháp "là văn kiện chính trị pháp lý quan trọng nhất sau cương lĩnh của Đảng, là đạo luật gốc, quy định những vấn đề hết sức cơ bản của một Nhà nước..."[1] và "Hiến pháp sửa đổi lần này đã thể chế hóa Cương lĩnh của Đảng về xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, kế thừa Hiến pháp năm 1946, Hiến pháp năm 1959, Hiến pháp năm 1980 và Hiến pháp năm 1992".[2][3]





Điều 1 Hiến pháp khẳng định nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam là một nước độc lập, thống nhất có chủ quyền đầy đủ đối với toàn bộ vùng lãnh thổ.


Ai làm chủ nhà nước?

Hiến pháp cũng khẳng định nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam là nhà nước của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân (điều 2). Nhân dân là toàn thể các dân tộc cùng sinh sống hòa bình trên lãnh thổ Việt Nam (điều 5). Nhân dân làm chủ nhà nước bằng cách sử dụng quyền lực Nhà nước thông qua Quốc hội và Hội đồng nhân dân là những cơ quan đại diện cho ý chí và nguyện vọng của nhân dân, do nhân dân bầu ra và chịu trách nhiệm trước nhân dân (điều 6).

Ngoài ra, Điều 8 cũng quy định rằng "Các cơ quan Nhà nước, cán bộ, viên chức Nhà nước có nghĩa vụ phải tôn trọng nhân dân, tận tụy phục vụ nhân dân, liên hệ chặt chẽ với nhân dân, lắng nghe ý kiến và chịu sự giám sát của nhân dân; kiên quyết đấu tranh chống mọi biểu hiện quan liêu, hách dịch, cửa quyền, tham nhũng"


Lực lượng lãnh đạo nhà nước

Tuy nhiên, một nhà nước luôn cần một tổ chức chính trị để lãnh đạo. Xuất phát từ điều kiện lịch sử của nước Việt Nam, đại biểu trung thành quyền lợi của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc lấy chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm tư tưởng chủ đạo để lãnh đạo nhà nước và xã hội. Nói như thế không có nghĩa là Đảng là tổ chức đứng trên tất cả vì mọi hoạt động của các tổ chức Đảng đều phải tuyệt đối tuân theo pháp luật. Đây là một trong những nguyên tắc căn bản của nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa.

Đảng thể hiện vai trò lãnh đạo trực tiếp và toàn diện bằng cách bổ nhiệm, bố trí Đảng viên giữ các chức vụ chủ chốt, lãnh đạo trong Chính phủ, trong lực lượng an ninh và quân đội, trong Mặt trận Tổ quốc, trong Quốc hội, trong Tòa án và trong Viện kiểm sát. Trong cơ quan lập pháp là Quốc hội, số lượng đại biểu ngoài Đảng là 49 (chiếm 10% tổng số 493 đại biểu Quốc hội năm 2008). Tỷ lệ 10% xuất phát từ thỏa thuận nhân sự "cơ cấu đại biểu QH" bởi Đảng trong vai trò lãnh đạo.

Bên cạnh đó Mặt trận tổ quốc và công đoàn cũng là những tổ chức chính trị xã hội trong hệ thống tổ chức chính trị của Việt Nam. Các lãnh đạo Mặt trận phải là Đảng viên.


Vai trò của nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam

Điều 3: Khẳng định nhà nước bảo đảm và phát huy không ngừng trước hết là vai trò làm chủ của nhân dân sau là bảo vệ và nghiêm trị mọi hành động xâm phạm lợi ích của Tổ quốc và của nhân dân nhằm thực hiện mục tiêu xây dựng đất nước giàu mạnh, thực hiện công bằng xã hội, mọi người có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện.


Quốc hội[sửa | sửa mã nguồn]


Điều 6 quy định "nhân dân sử dụng quyền lực Nhà nước thông qua Quốc hội và Hội đồng nhân dân là những cơ quan đại diện cho ý chí và nguyện vọng của nhân dân, do nhân dân bầu ra và chịu trách nhiệm trước nhân dân.

Quốc hội, Hội đồng nhân dân và các cơ quan khác của Nhà nước đều tổ chức và hoạt động theo nguyên tắc tập trung dân chủ."

Điều 7 nói "Việc bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân tiến hành theo nguyên tắc phổ thông, bình đẳng, trực tiếp và bỏ phiếu kín.

Đại biểu Quốc hội bị cử tri hoặc Quốc hội bãi nhiệm và đại biểu Hội đồng nhân dân bị cử tri hoặc Hội đồng nhân dân bãi nhiệm khi đại biểu đó không còn xứng đáng với sự tín nhiệm của nhân dân."
Ðiều 83
Quốc hội là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Quốc hội là cơ quan duy nhất có quyền lập hiến và lập pháp.
Quốc hội quyết định những chính sách cơ bản về đối nội và đối ngoại, nhiệm vụ kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh của đất nước, những nguyên tắc chủ yếu về tổ chức và hoạt động của bộ máy Nhà nước, về quan hệ xã hội và hoạt động của công dân. Quốc hội thực hiện quyền giám sát tối cao đối với toàn bộ hoạt động của Nhà nước.[4]


Chủ tịch nước[sửa | sửa mã nguồn]


"Chủ tịch nước là người đứng đầu Nhà nước, thay mặt nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam về đối nội và đối ngoại" (điều 101). Ngoài ra Chủ tịch nước còn có quyền đề cử, giới thiệu với Quốc hội để bầu các vị trí quan trọng của nhà nước.

Ðiều 102, Chủ tịch nước do Quốc hội bầu trong số đại biểu Quốc hội.
Chủ tịch nước chịu trách nhiệm và báo cáo công tác trước Quốc hội. Nhiệm kỳ của Chủ tịch nước theo nhiệm kỳ của Quốc hội. Khi Quốc hội hết nhiệm kỳ, Chủ tịch nước tiếp tục làm nhiệm vụ cho đến khi Quốc hội khóa mới bầu Chủ tịch nước mới.

Ðiều 104, Hội đồng quốc phòng và an ninh gồm Chủ tịch, Phó Chủ tịch, các ủy viên. Chủ tịch nước đề nghị danh sách thành viên Hội đồng quốc phòng và an ninh trình Quốc hội phê chuẩn. Thành viên Hội đồng quốc phòng và an ninh không nhất thiết là đại biểu Quốc hội. Hội đồng quốc phòng và an ninh động viên mọi lực lượng và khả năng của nước nhà để bảo vệ Tổ quốc.

Trong trường hợp có chiến tranh, Quốc hội có thể giao cho Hội đồng quốc phòng và an ninh những nhiệm vụ và quyền hạn đặc biệt. Hội đồng quốc phòng và an ninh làm việc theo chế độ tập thể và quyết định theo đa số.

Ðiều 105, Chủ tịch nước có quyền tham dự các phiên họp của Uỷ ban Trung ương và Quốc hội và Chính phủ.

Ðiều 106, Chủ tịch nước ban hành lệnh, quyết định để thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình.[5]


Chính phủ[sửa | sửa mã nguồn]


Ðiều 109 đã ghi "Chính phủ là cơ quan chấp hành của Quốc hội, cơ quan hành chính Nhà nước cao nhất của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam."

Điều 110 đã ghi "Chính phủ gồm có Thủ tướng, các Phó Thủ tướng, các Bộ trưởng và các thành viên khác. Ngoài Thủ tướng, các thành viên khác của Chính phủ không nhất thiết là đại biểu Quốc hội."[6]



Điều 51 Hiến pháp 2013 xác định: "Nền kinh tế Việt Nam là nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa với nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế; kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo."[7]



Quyền công dân được hiến pháp 1992 quy định trong chương 5: "Quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân" từ điều 49 đến điều 82. Theo điều 50, các quyền con người về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa và xã hội được tôn trọng, thể hiện ở các quyền công dân và được quy định trong Hiến pháp và luật.

Có người đánh giá rằng bản hiến pháp này hạn chế những quyền tự do cơ bản của con người bằng cách thêm vào dòng "theo quy định của pháp luật". Việc hạn chế này là đảm bảo cho việc thực hiện tự do của người này không ảnh hưởng và vi phạm đến tự do của người khác.

Bản hiến pháp này coi trọng quyền tiếp cận tri thức cho công dân. Điều 59 ghi "Bậc tiểu học là bắt buộc, không phải trả học phí", "Học sinh có năng khiếu được Nhà nước và xã hội tạo điều kiện học tập để phát triển tài năng" và "Nhà nước và xã hội tạo điều kiện cho trẻ em tàn tật được học văn hóa và học nghề phù hợp". Điều 60 ghi "Công dân có quyền nghiên cứu khoa học, kỹ thuật, phát minh, sáng chế, sáng kiến cải tiến kỹ thuật, hợp lý hóa sản xuất, sáng tác, phê bình văn học, nghệ thuật và tham gia các hoạt động văn hóa khác. Nhà nước bảo hộ quyền tác giả, quyền sở hữu công nghiệp."

Bản hiến pháp này cũng bảo vệ một số quyền của công dân nước ngoài. Điều 82 ghi "Người nước ngoài đấu tranh vì tự do và độc lập dân tộc, vì chủ nghĩa xã hội, dân chủ và hòa bình, hoặc vì sự nghiệp khoa học mà bị bức hại thì được Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam xem xét việc cho cư trú."[8]



  • Quốc kỳ: hình chữ nhật, chiều rộng bằng hai phần ba chiều dài, nền đỏ, ở giữa có ngôi sao vàng năm cánh (điều 141).

  • Quốc huy: hình tròn, nền đỏ, ở giữa có ngôi sao vàng năm cánh, chung quanh có bông lúa, ở dưới có nửa bánh xe răng và dòng chữ: Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (điều 142).

  • Quốc ca: nhạc và lời của bài "Tiến quân ca" (điều 143).

  • Thủ đô: Hà Nội (điều 144).

  • Quốc khánh: 2 tháng 9 (điều 145).

Ðiều 146: Hiến pháp nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là luật cơ bản của Nhà nước, có hiệu lực pháp lý cao nhất. Mọi văn bản pháp luật khác phải phù hợp với Hiến pháp.

Ðiều 147: Chỉ Quốc hội mới có quyền sửa đổi Hiến pháp. Việc sửa đổi Hiến pháp phải được ít nhất là hai phần ba tổng số đại biểu Quốc hội biểu quyết tán thành


Hiến pháp Việt Nam qua các thời kì[sửa | sửa mã nguồn]


Trước năm 1945, Việt Nam không có hiến pháp. Từ sau khi thành lập nhà nước cộng hòa đầu tiên, lịch sử Việt Nam ghi nhận năm bản Hiến pháp đã được ra đời, trong các năm 1946, 1959, 1980, 1992 (được sửa đổi vào năm 2001), 2013 (được sửa đổi vào năm 2013).


Hiến pháp Việt Nam Dân chủ Cộng hòa 1946[sửa | sửa mã nguồn]


Hiến pháp 1946 là bản hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa được soạn thảo và được Quốc hội thông qua vào ngày 9 tháng 11 năm 1946 với 240 phiếu tán thành (trên 242 phiếu).

Ủy ban dự thảo Hiến pháp được thành lập theo Sắc lệnh số 34-SL ngày 20 tháng 9 năm 1945 gồm có 7 thành viên: Hồ Chí Minh, Vĩnh Thụy, Đặng Thai Mai, Vũ Trọng Khánh, Lê Văn Hiến, Nguyễn Lương Bằng, Đặng Xuân Khu (Trường Chinh).

Bản dự án Hiến pháp đã được soạn thảo và công bố vào tháng 11 năm 1945.

Ban dự thảo Hiến pháp (Tiểu ban Hiến pháp) được Quốc hội bầu ra ngày 2 tháng 3 năm 1946 gồm có 11 thành viên: Trần Duy Hưng, Tôn Quang Phiệt, Đỗ Đức Dục, Cù Huy Cận, Nguyễn Đình Thi, Huỳnh Bá Nhung, Trần Tấn Thọ, Nguyễn Cao Hách, Đào Hữu Dương, Phạm Gia Đỗ, Nguyễn Thị Thục Viên. Ban này tiếp tục nghiên cứu dự thảo hiến pháp.

Trong phiên họp ngày 29 tháng 10 năm 1946, Tiểu ban Hiến pháp được mở rộng thêm 10 đại biểu đại diện cho các nhóm, các vùng và đồng bào thiểu số để tu chỉnh dự thảo hiến pháp và trình ra Quốc hội ngày 2 tháng 11 năm 1946 để Quốc hội thảo luận, sửa chữa và thông qua.


Nội dung cơ bản[sửa | sửa mã nguồn]


Hiến pháp năm 1946 bao gồm lời nói đầu và 7 chương, 70 điều.

Lời nói đầu đã xác định ba nguyên tắc cơ bản của Hiến pháp.


  • Đoàn kết toàn dân không phân biệt giống nòi, gái, trai, giai cấp, tôn giáo.

  • Đảm bảo các quyền tự do dân chủ.

  • Thực hiện chính quyền mạnh mẽ và sáng suốt của nhân dân.

Chương I: Quy định hình thức chính thể của Nhà nước ta là Dân chủ Cộng hòa.

Chương II: Quy định về nghĩa vụ và quyền lợi của công dân.

Chương III: Quy định về cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất - Nghị viện nhân dân.

Chương IV: Quy định về Chính phủ - cơ quan hành chính Nhà nước cao nhất.

Chương V: Quy định về Hội đồng nhân dân và Uỷ ban hành chính - cơ quan quyền lực và cơ quan hành chính Nhà nước, địa phương.

Chương VI: Quy định về cơ quan tư pháp - cơ quan xét xử của Nhà nước.

Chương VII: Quy định về vấn đề sửa đổi Hiến pháp.

Toàn bộ 7 chương của Hiến pháp đều được xây dựng dựa trên ba nguyên tắc cơ bản đã nói trên. Chính ba nguyên tắc này đã thể hiện ba đặc điểm cơ bản của Hiến pháp 1946.


Đánh giá[sửa | sửa mã nguồn]


Tiến sĩ Nguyễn Sĩ Dũng, một chuyên gia về luật đánh giá: "Hiến pháp 1946 là một bản hiến văn hết sức ngắn gọn, súc tích. Toàn bộ bản hiến văn chỉ gồm 70 điều. Trong đó có những điều chỉ vẻn vẹn một dòng. (Ví dụ Điều 12 được viết như sau: "Quyền tư hữu tài sản của công dân Việt Nam được bảo đảm"). Một trong những lý do giải thích sự ngắn gọn này là: Hiến pháp 1946 đã được thiết kế theo tư tưởng pháp quyền".

PGS-TS Phạm Duy Nghĩa, Đại học Quốc gia Hà Nội, cho rằng Hiến pháp 1946 vẫn còn nguyên giá trị, bởi mỗi câu chữ trong đó đều "vang vọng tiếng dân".

Đây là bản hiến pháp được soạn thảo theo tinh thần phân chia quyền lực (thường được biết đến với thuật ngữ "tam quyền phân lập"): lập pháp (Quốc hội), hành pháp (Chính phủ) và tư pháp (Tòa án) giống như Hiến pháp Hoa Kỳ và hiến pháp của các nước cộng hòa khác. Điều 1 của Hiến pháp 1946 ghi rõ: "Nước Việt Nam là một nước Dân chủ Cộng hòa".

Điểm đáng chú ý là Điều 10 bản Hiến pháp 1946 quy định rõ ràng các quyền tự do cá nhân: "Công dân Việt Nam có quyền: tự do ngôn luận, tự do xuất bản, tự do tổ chức và hội họp, tự do tín ngưỡng, tự do cư trú, đi lại trong nước và ra nước ngoài". Đây là những quyền tự do bị hạn chế trong các bản hiến pháp sau này.

Tuy nhiên những giá trị của bản Hiến pháp 1946 không có giá trị vận dụng trong thực tế, chỉ có giá trị về mặt chính trị.[cần dẫn nguồn] Bởi vì nhiều lý do khiến cho Hiến pháp 1946 không được thực thi.


Hiến pháp Việt Nam Dân chủ Cộng hòa 1959[sửa | sửa mã nguồn]


Nội dung cơ bản[sửa | sửa mã nguồn]


Hiến pháp 1959 gồm có Lời nói đầu và 112 điều chia làm 10 chương:

Chương I- Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa;

Chương II- Chế độ kinh tế và xã hội;

Chương III- Quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân;

Chương IV- Quốc hội;

Chương V- Chủ tịch nước;

Chương VI- Hội đồng Chính phủ;

Chương VII- Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân;

Chương VIII- Tòa án nhân dân và Viện kiểm sát nhân dân;

Chương IX- Quốc kỳ, Quốc huy, Thủ đô;


Chương X- Sửa đổi Hiến pháp.

Nguyên nhân sửa đổi[sửa | sửa mã nguồn]


"Trong giai đoạn mới của cách mạng, Quốc hội ta cần sửa đổi bản Hiến pháp năm 1946 cho thích hợp với tình hình và nhiệm vụ mới" (Lời nói đầu, Hiến pháp 1959). Giai đoạn mới của cách mạng được nhắc đến là giai đoạn kháng chiến chống Đế quốc Mỹ, miền Bắc xây dựng phục hồi kinh tế, miền Nam tiếp tục đấu tranh chống Đế quốc Mỹ và tay sai.


Hiến pháp Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam 1980[sửa | sửa mã nguồn]


Nội dung cơ bản[sửa | sửa mã nguồn]


So sánh những bản hiến pháp thì Hiến pháp 1980 dựa trên mẫu hiến pháp năm 1977 của Liên Xô với cơ chế Quốc hội bầu ra Hội đồng Nhà nước với cơ quan này lãnh trách nhiệm hành chính làm ban thường vụ của Quốc hội. Hội đồng Nhà nước có chức năng vừa nắm quyền hành pháp lẫn lập pháp. Hội đồng này có bảy thành viên, đứng đầu là chủ tịch, có một số phó chủ tịch trợ giúp cùng với một tổng thư ký. Hội đồng Nhà nước có quyền tuyên chiến, ra lệnh tổng động viên, thông qua hiệp ước quốc ngoại và giám sát Hội đồng Bộ trưởng.[9]


Nguyên nhân sửa đổi[sửa | sửa mã nguồn]


"Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam cần có một bản Hiến pháp thể chế hóa đường lối của Đảng cộng sản Việt Nam trong giai đoạn mới. Đó là Hiến pháp của thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội trong phạm vi cả nước.

Kế thừa và phát triển Hiến pháp năm 1946 và Hiến pháp năm 1959, Hiến pháp này tổng kết và xác định những thành quả đấu tranh cách mạng của nhân dân Việt Nam trong nửa thế kỷ qua, thể hiện ý chí và nguyện vọng của nhân dân Việt Nam, bảo đảm bước phát triển rực rỡ của xã hội Việt Nam trong thời gian tới" (Lời nói đầu, Hiến pháp 1980).


Hiến pháp Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam 1992[sửa | sửa mã nguồn]


Nội dung cơ bản của Hiến pháp[sửa | sửa mã nguồn]


Hiến pháp 1992 bao gồm lời nói đầu, 147 điều trong 12 chương.

Trong lời nói đầu, lịch sử Việt Nam được ghi chép lại sơ lược và nguyên nhân sửa đổi được trình bày.

Thiếu sót nghiêm trọng nhất là không ghi nhận và không công bố các ý đồ của những nhà thiết kế biên soạn bản hiến pháp 1992 để làm nền tảng cho việc giải thích hiến pháp hay giải thích luật dựa trên hiến pháp về sau. Ý đồ của các cá nhân và tập thể biên soạn hiến pháp sẽ giúp tòa án hay cơ quan chính phủ diễn giải hiến pháp đảm bảo tính thống nhất của hiến pháp và phù hợp với tinh thần của các nhà soạn thảo. Sự thiếu sót này khiến hiến pháp có thể bị suy diễn và diễn dịch tùy tiện trong công tác làm luật hay giải quyết các tranh chấp liên quan đến hiến pháp. Từ đó dẫn đến việc bản hiến pháp chỉ phục vụ được một thời kỳ lịch sử nào đó rồi hết giá trị và phải làm cái khác. Xã hội pháp trị dựa trên luật pháp; luật pháp dựa trên hiến pháp; cho nên sự ổn định của xã hội và của chế độ có thể nói là dựa trên tính ổn định của hiến pháp.

Hiến pháp 1992 tiếp tục khẳng định "Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là Nhà nước của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Tất cả quyền lực Nhà nước thuộc về nhân dân mà nền tảng là liên minh giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và tầng lớp trí thức" (điều 2). Trong chương V, các quyền cơ bản của công dân được quy định, trong đó bao gồm quyền tự do ngôn luận (điều 69), quyền tự do tôn giáo (điều 79), quyền bất khả xâm phạm về thân thể (điều 71), quyền tự do đi lại và cư trú (điều 68), quyền tự do kinh doanh (điều 57), quyền tác giả (điều 60), và các quyền khác. Trong chương V cũng ghi rõ rằng: Công dân phải trung thành với Tổ quốc. Phản bội Tổ quốc là tội nặng nhất" (điều 76).

Hiến pháp 1992 được bổ sung vào ngày 25 tháng 12 năm 2001.

Về mặt cơ cấu, Hiến pháp 1992 xóa bỏ Hội đồng Nhà nước, quy chức vị vào một cá nhân là Chủ tịch nước. Ngoài ra Hiến pháp 1992 giảm số đại biểu Quốc hội từ khoảng 500 xuống còn 400.[9]


Nguyên nhân sửa đổi[sửa | sửa mã nguồn]


"Từ năm 1986 đến nay, công cuộc đổi mới toàn diện đất nước do Đại hội lần thứ VI của Đảng cộng sản Việt Nam đề xướng đã đạt được những thành tựu bước đầu rất quan trọng. Quốc hội quyết định sửa đổi Hiến pháp năm 1980 để đáp ứng yêu cầu của tình hình và nhiệm vụ mới" (Lời nói đầu)


Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam 2013[sửa | sửa mã nguồn]


Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013 là bản Hiến pháp của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam được Quốc hội Việt Nam khóa XIII, kỳ họp thứ 6 thông qua vào ngày vào sáng ngày 28 tháng 11 năm 2013. Đến sáng ngày 8 tháng 12 năm 2013, Chủ tịch nước Việt Nam Trương Tấn Sang đã ký Lệnh công bố Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Nghị quyết quy định một số điểm thi hành Hiến pháp,[10] ngày 09 tháng 12 năm 2013, Văn phòng Chủ tịch nước công bố Lệnh của Chủ tịch nước công bố Hiến pháp và Nghị quyết của Quốc hội quy định một số điểm thi hành Hiến pháp.[11] Hiến pháp 2013 tổng cộng có 11 Chương với 120 Điều[12] trong đó nhấn mạnh tới vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam.



Lần sửa đổi Hiến pháp năm 2001[sửa | sửa mã nguồn]


Nghị quyết số 51/2001/QH10 ngày 25 tháng 12 năm 2001 về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (nghị quyết này được ban hành ngày 7 tháng 1 năm 2002).[13]

Hoàn cảnh ra đời & đặc điểm: Quốc hội khoá X là Quốc hội của thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Quốc hội khoá X có trọng trách tiếp tục thể chế hóa cương lĩnh và chiến lược của Ðảng; cụ thể hóa đường lối, chính sách mà Ðại hội Ðảng lần thứ VIII và lần thứ IX đề ra. Trong 5 năm qua, Quốc hội khoá X tiếp tục xây dựng và hoàn thiện tổ chức của Quốc hội và đổi mới hoạt động lập pháp: Phân định phạm vi thẩm quyền lập pháp của Quốc hội, lập và quyết định chương trình xây dựng luật, pháp lệnh, đổi mới thủ tục, trình tự ban hành văn bản quy phạm pháp luật, góp phần tích cực thực hiện thắng lợi các Nghị quyết Ðại hội lần thứ VIII và Ðại hội lần thứ IX của Ðảng, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. (trích nguồn Quốc hội Việt Nam khóa X [14])


Lần sửa đổi Hiến pháp năm 2013[sửa | sửa mã nguồn]


Ngày 2/1/2013, Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 chính thức công bố Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 trên các phương tiện thông tin đại chúng để lấy ý kiến rộng rãi của các tầng lớp nhân dân. Thời gian lấy ý kiến từ ngày công bố đến hết ngày 31 tháng 3 năm 2013.[15] Trong lần sửa Hiến pháp này, rất nhiều vấn đề hệ trọng của đất nước đã được nhân dân tham gia ý kiến, phản ánh qua các phương án khác nhau cho từng điều khoản Hiến pháp[16]

Lần đầu tiên trong lịch sử, việc góp ý sửa đổi hiến pháp 1992 được chính quyền Việt Nam đưa đến từng hộ gia đình[1]. theo báo cáo của các cơ quan, tổ chức hữu quan, trong 5 tháng tính tới tháng 5/2013, đã có hơn 26 triệu lượt ý kiến góp ý của nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp, với hơn 28.000 hội nghị, hội thảo, tọa đàm được tổ chức

Nhiều nhân sĩ đã góp ý bỏ điều 4 để đảng cầm quyền cạnh tranh chính trị cùng các đảng khác, sửa các điều khoản về quyền con người, sở hữu đất đai, tổ chức Nhà nước, lực lượng vũ trang, trưng cầu dân ý đối với Hiến pháp.[17][18] Báo Quân đội Nhân dân trong thời gian này đưa ra bài viết nêu quan điểm rằng "đòi bỏ Điều 4 trong Dự thảo sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992" là "mưu đồ xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam".[19] Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng đã phát biểu rằng một số góp ý cho Dự thảo, bao gồm đề xuất sửa đổi Điều 4, thể hiện "suy thoái chính trị". GS Nguyễn Minh Thuyết cho rằng bỏ hay giữ Điều 4 thực chất không thay đổi bản chất lãnh đạo duy nhất của Đảng Cộng sản, một khi Điều 2 Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 đã khẳng định "Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa".[20] Trong dự thảo Hiến pháp lần 3, có những vấn đề đã được ghi vào bản dự thảo (như đổi tên nước, bỏ quy định thu hồi đất vì mục đích kinh tế xã hội, trưng cầu dân ý về Hiến pháp…)[21] Tuy nhiên Dự thảo sửa đổi Hiến pháp bản mới nhất trình Quốc hội tháng 5/2013: Một số nội dung trở lại như dự thảo lần đầu. Dự thảo mới không còn nêu phương án trở lại tên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa; giữ nguyên nền tảng liên minh giai cấp (Điều 2); không còn phương án diễn đạt gọn (Điều 4); Lời nói đầu, dự thảo mới không ghi nhận "chủ quyền nhân dân" mà thay bằng "quyền làm chủ" - khi nói về mối quan hệ giữa nhân dân và HP[22]


Kiến nghị 72[sửa | sửa mã nguồn]


Tháng 1 năm 2013, 72 vị nhân sĩ, trí thức đã cùng nhau ký một bản kiến nghị có tên là "Kiến nghị về sửa đổi Hiến pháp 1992" (đề ngày 19 tháng 1 năm 2013), gọi tắt là Kiến nghị 72.[23] 72 nhân sĩ còn bao gồm: nhà văn Nguyên Ngọc, Giáo sư Tương Lai, Thiếu tướng Nguyễn Trọng Vĩnh, Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, Tiến sĩ Nguyễn Quang A...[24] Trong danh sách những người khởi xướng, có ít nhất một nửa là đảng viên Cộng sản, trong đó có những người đã từng giữ chức vụ cao hoặc đã từng làm cố vấn cho các nhà lãnh đạo cao cấp trong hệ thống chính trị hiện hành. Ngày 4 tháng 2, ông Nguyễn Đình Lộc nguyên Bộ trưởng Bộ tư pháp, cùng Nguyên Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Chu Hảo, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Nguyễn Minh Thuyết, GS Hoàng Xuân Phú, nhà văn Nguyên Ngọc, GS Tương Lai, GS Hoàng Tụy, TS Nguyễn Quang A, bà Phạm Chi Lan nguyên thành viên Ban nghiên cứu của Thủ tướng Chính phủ, GS Hồ Uy Liêm nguyên Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội KH & KTVN…[25] đã đến Văn phòng Ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp trao bản kiến nghị sửa đổi Hiến pháp năm 1992.[26]

Nội dung của kiến nghị cũng như bản dự thảo Hiến pháp đính kèm (được coi như một tài liệu để tham khảo và thảo luận) đã bày tỏ một số quan điểm về hiến pháp vượt ra khỏi khuôn khổ của hiến pháp hiện hành (tức Hiến pháp 1992 – bản sửa đổi năm 2001), Kiến nghị này đề nghị tam quyền phân lập, bỏ vai trò lãnh đạo độc quyền của Đảng cộng sản, áp dụng quyền sở hữu cá nhân về đất đai, bỏ chức năng chính của quân đội là phục vụ đảng cầm quyển mà thay vào đó là phục vụ nhân dân, dành nhiều quyền dân chủ hơn cho nhân dân, trưng cầu dân ý đối với Hiến pháp.[27]

Theo website BauxitVN,[28] nơi đăng toàn văn kiến nghị và lời kêu gọi ký tên ủng hộ, kiến nghị gồm một số điểm chính sau:[29]


  • Kiến nghị về Lời nói đầu và về Chương I: Hiến pháp cần xác định mục tiêu trước hết là để bảo đảm sự an toàn, tự do và hạnh phúc của mọi người dân. Quyền lập hiến phải thuộc về toàn dân, chứ không thể thuộc về bất kỳ một tổ chức hay cơ quan nào, kể cả Quốc hội. Cần xác định rõ chủ thể quyết định, ban hành hiến pháp là nhân dân. Lời nói đầu không phải là chỗ để tuyên dương công trạng của bất kỳ tổ chức hay cá nhân nào. Về chương I: Nếu hiến pháp thực sự do nhân dân quyết định thì việc định trước vai trò lãnh đạo nhà nước và xã hội thuộc về một tổ chức chính trị hay một tầng lớp là trái với quyền làm chủ của nhân dân, quyền con người, quyền công dân và ngược với bản chất của một nhà nước pháp quyền.[29]

  • Kiến nghị về quyền con người: yêu cầu sửa Dự thảo theo đúng tinh thần của Tuyên ngôn Quốc tế về Nhân quyền năm 1948 và các công ước quốc tế mà Việt Nam đã tham gia.

  • Kiến nghị về sở hữu đất đai: Không thừa nhận sở hữu tư nhân, tập thể, cộng đồng về đất đai cùng tồn tại với sở hữu nhà nước là tước đoạt một quyền tài sản quan trọng bậc nhất của người dân. Đánh đồng sở hữu nhà nước với sở hữu toàn dân về đất đai là tạo điều kiện cho quan chức các cấp chính quyền tham nhũng, lộng quyền, bắt tay với nhiều tư nhân, doanh nghiệp cùng trục lợi, gây thiệt hại cho nhân dân, đặc biệt là nông dân.

  • Kiến nghị về tổ chức Nhà nước: phải phân biệt rạch ròi các nhánh lập pháp, hành pháp và tư pháp cũng như các cơ quan hiến định khác. Tất cả các cơ quan nhà nước phải tuân thủ Hiến pháp và luật.

  • Kiến nghị về lực lượng vũ trang: Mọi hoạt động của các lực lượng vũ trang chỉ để bảo vệ sự toàn vẹn của lãnh thổ quốc gia và phục vụ nhân dân. Lực lượng vũ trang phải trung thành với Tổ quốc và nhân dân chứ không phải trung thành với bất kỳ tổ chức nào.

  • Kiến nghị về trưng cầu dân ý đối với Hiến pháp: "Bảo đảm quyền phúc quyết của nhân dân đối với Hiến pháp, thông qua trưng cầu dân ý được tổ chức thật sự minh bạch và dân chủ với sự giám sát của người dân và báo giới."

Nhóm Cùng viết Hiến pháp[sửa | sửa mã nguồn]


Nhóm Cùng Viết Hiến pháp do các giáo sư Ngô Bảo Châu, Đàm Thanh Sơn và cựu Tổng Biên tập báo VietnamNet Nguyễn Anh Tuấn khởi xướng, trưng cầu ý kiến thông qua trang mạng Cùng Viết Hiến pháp từ tháng 2/2013.[30] Các đề xuất của nhóm Cùng Viết Hiến pháp liên quan tới sửa đổi 29 điều trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp và thêm một điều mới.


Kiến nghị khác[sửa | sửa mã nguồn]


nêu lại một số thay đổi trong quy định tại Điều 4 của Hiến pháp năm 1980 đến Hiến pháp 1992 về vai trò lãnh đạo của Đảng CSVN: "Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa" và toàn bộ mô hình tổ chức, hoạt động của bộ máy Nhà nước đã thể hiện tính chất xã hội chủ nghĩa trong một bản hiến pháp được toàn dân đồng tình qua trưng cầu ý dân rồi thì dù không có Điều 4 cũng không ai xóa bỏ được chế độ xã hội chủ nghĩa, xóa bỏ được vai trò lãnh đạo của Đảng ở nước ta"[31] ông Lê Tiến, hội viên Hội luật gia Việt Nam, đề nghị Hiến pháp sửa đổi nên có một chương riêng về Đảng, trong đó nêu rõ trách nhiệm cụ thể của Đảng với tư cách lãnh đạo Nhà nước và xã hội.[31]





  1. ^ “Tổng Bí thư tiếp xúc cử tri quận Tây Hồ và Hoàn Kiếm (Hà Nội)”. Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam. 

  2. ^ Bùi Huyền. “Một số điểm mới cơ bản của Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam sửa đổi”. Tạp chí Dân chủ & Pháp luật - Cơ quan ngôn luận của Bộ Tư pháp. 

  3. ^ Văn Chúc; Kim Ngân (28 tháng 11 năm 2013). “Đảng gắn bó mật thiết với quá trình xây dựng Hiến pháp”. Báo Nhân dân. 

  4. ^ “Thuật ngữ pháp lý "Quốc hội"”. Thư viện pháp luật. 

  5. ^ “Thuật ngữ pháp lý "Chủ tịch nước"”. Thư viện pháp luật. 

  6. ^ “Thuật ngữ pháp lý "Chính phủ"”. Thư viện pháp luật. 

  7. ^ “HIẾN PHÁP 2013, CHƯƠNG III:KINH TẾ, XÃ HỘI, VĂN HÓA, GIÁO DỤC, KHOA HỌC, CÔNG NGHỆ VÀ MÔI TRƯỜNG”. 

  8. ^ “Thuật ngữ pháp lý "Quyền công dân"”. Thư viện Pháp luật. 

  9. ^ a ă SarDesai, RD. Vietnam Past adn Present. Los Angeles, CA: Westview Press, 2005. Trang 145-7.

  10. ^ “Chủ tịch nước ký Lệnh công bố Hiến pháp”. Báo điện tử Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. 8 tháng 12 năm 2013. 

  11. ^ Lê Sơn (9 tháng 12 năm 2013). “Công bố Lệnh của Chủ tịch nước về Hiến pháp và Nghị quyết thi hành”. Báo điện tử Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. 

  12. ^ “Toàn văn Hiến pháp sửa đổi - VnExpress”. VnExpress - Tin nhanh Việt Nam. Truy cập 7 tháng 2 năm 2015. 

  13. ^ Nghị quyết của Quốc hội số 51/2001/QH10 ngày 25 tháng 12 năm 2001 về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 1992, hiệu lực từ 7/1/2002, đăng công báo ngày 8/3/2002, ký bởi Nguyễn Văn An

  14. ^ Quốc hội khoá X (1997-2002) (13/12/2006 9:57:22 AM)

  15. ^ “Nghị quyết sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992”. Dự thảo Online. 

  16. ^ “Sửa Hiến pháp: 'Không nên chốt ngay phương án nào'”. Vietnamnet. 22 tháng 4 năm 2013. 

  17. ^ Trao bản kiến nghị sửa đổi Hiến pháp - BBC Vietnamese - Việt Nam[liên kết hỏng]

  18. ^ “Kiến nghị Hiến pháp bỏ Điều 4”. Thông tấn xã quốc gia của Vương quốc Liên hiệp Anh và Bắc Ireland. 23 tháng 1 năm 2013. 

  19. ^ PGS, TS Hà Nguyên Cát - Học viện Quốc phòng (16 tháng 12 năm 2012). “Tiếp tục khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam”. Quân đội nhân dân Online. 

  20. ^ Bảo Cầm (22 tháng 2 năm 2013). “GS Nguyễn Minh Thuyết góp ý Điều 4 Hiến pháp”. Báo Tiền phong. 

  21. ^ Lê Nhung (15 tháng 4 năm 2013). “Điều ngọt ngào từ dự thảo Hiến pháp mới”. Báo Vietnamnet. 

  22. ^ Nghĩa Nhân (21 tháng 5 năm 2013). “Dự thảo sửa đổi Hiến pháp bản mới nhất: Một số nội dung trở lại như dự thảo lần đầu”. Báo Pháp luật. 

  23. ^ Thanh Quang (25 tháng 2 năm 2013). “Sửa đổi hiến pháp: Kiến nghị tới đâu?”. Đài Á Châu Tự do. 

  24. ^ “Nhóm Kiến nghị 72 lên tiếng”. Thông tấn xã quốc gia của Vương quốc Liên hiệp Anh và Bắc Ireland. 2 tháng 4 năm 2013. 

  25. ^ “Phái đoàn nhân sĩ trí thức đã trao kiến nghị sửa Hiến pháp”. Đài Á Châu Tự do. 4 tháng 2 năm 2013. 

  26. ^ Thành Văn (5 tháng 2 năm 2013). “Nguyên Bộ trưởng Nguyễn Đình Lộc trao kiến nghị sửa Hiến pháp”. Dân trí. 

  27. ^ “Kiến nghị Hiến pháp bỏ Điều 4”. Thông tấn xã quốc gia của Vương quốc Liên hiệp Anh và Bắc Ireland. 23 tháng 1 năm 2013. 

  28. ^ KIẾN NGHỊ VỀ SỬA ĐỔI HIẾN PHÁP 1992

  29. ^ a ă Quỳnh Chi (22 tháng 1 năm 2013). “Kiến nghị Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992”. Đài Á Châu Tự do. 

  30. ^ “Nhóm Cùng Viết Hiến pháp gửi đề xuất”. Thông tấn xã quốc gia của Vương quốc Liên hiệp Anh và Bắc Ireland. 6 tháng 4 năm 2013. 

  31. ^ a ă Bảo Cầm (22 tháng 2 năm 2013). “Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết góp ý Điều 4 Hiến pháp sửa đổi”. Thanh niên. 



No comments:

Post a Comment